Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Mọi công dân, cơ quan, tổ chức đều có Quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Điều 6 Bộ luật tố tụng hành chính thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được quy định như sau:
“Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật”.
Trong vụ án hành chính, bị đơn bao giờ cũng là cơ quan Nhà nước. Theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 thì các quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính.
Bộ luật dân sự cũng quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 605 như sau:
“1. Thiệt hại phải được bổi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”
Thiệt hại bao gồm: thiệt hại về tài sản; thiệt hại về sức khỏe; thiệt hại về tính mạng; thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Từ những quy định trên, có thể thấy việc xác định đúng thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Thông thường, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện.
Vì vậy, vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết vụ án hành chính rất quan trọng. Luật sư tham gia từ khi thu thập tài liệu, chứng cứ cho đến giai đoạn tranh tụng tại Tòa. Việc xác định thiệt hại, hậu quả do hành vi hành chính, quyết định hành chính cũng là một hoạt động có tính chất quyết định đến việc ra các phán quyết hành chính.
Một số các hoạt động cụ thể của Luật Bách Việt trong vụ án hành chính:
- Nghiên cứu Hồ sơ pháp lý; Thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc của khách hàng;
- Xác định tư cách của các bên tranh chấp; Phân tích hậu quả pháp lý của hành vi hành chính, quyết định hành chính;
- Đưa ra giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Khách hàng;
- Xác định tính chất, mức độ của thiệt hại do hành vi hành chính, quyết định hành chính gây ra;
- Tư vấn khách hàng về trình tự, thủ tục tố tụng vụ án hành chính.